Cùng đến thăm làng nghề đúc đồng mỹ nghệ Đại Bái miền kinh bắc – Bắc Ninh để quý khách có thể cảm nhận được hết sự tinh túy trong từng vật phẩm đồ đồng nơi làng nghề sản xuất…
Làng nghề Đại Bái, xã Đại Bái (Gia Bình) một điểm du lịch thú vị đối với du khách. Đến đây du khách không những được trải nghiệm các công đoạn làm nghề đúc đồng mà còn được thăm khu di tích lịch sử cấp Quốc gia gồm: Khu lăng tổ sư nghề đồng Nguyễn Công Truyền, đình Văn Lãng, đình Diên Lộc và chùa Diên Phúc.
Làng Đại Bái còn có tên nôm là làng Bưởi Nồi từ lâu đã nức tiếng gần xa bởi nghề đúc đồng truyền thống. Xưa kia, làng chủ yếu sản xuất các đồ gia dụng như: ấm, mâm, chậu thau… Từ đầu thế kỷ XI, dưới sự dẫn dắt của ông tổ nghề Nguyễn Công Truyền, nghề đúc đồng ở Đại Bái dần chuyển sang sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Các sản phẩm mỹ nghệ bằng đồng ở Đại Bái đều được hoàn thiện dưới bàn tay khéo léo, tỷ mỉ của thợ thủ công.
Đến Đại Bái vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, du khách đều cảm nhận được không khí sản xuất sôi động của làng nghề. Tiếng đục, mài rũa, rộn ràng vang khắp đường làng, ngõ xóm. Dưới bàn tay của người thợ thủ công, rất nhiều các sản phẩm tinh xảo như: Tượng đồng, đỉnh đồng, lư hương, tranh, câu đối bằng đồng… đã ra đời, được người dân khắp cả nước yêu thích, ngợi ca.
Về Đại Bái, du khách còn được thăm cụm di tích cổ kính linh thiêng: đình Văn Lãng, đình Diên Lộc, chùa Diên Phúc, lăng mộ tổ sư nghề đúc, dát đồng Nguyễn Công Truyền… là những dấu tích minh chứng cho bề dày lịch sử của mảnh đất này. Đình Văn Lãng thờ Thành hoàng làng là Lạc Long Quân và phụ công Nguyễn Công Hiệp – người có công rất lớn trong việc trùng tu các chùa đình, cầu, đường, khuyến khích nghề gò đồng ở làng; Đình Diên Lộc là nơi thờ tổ nghề gò dát đồng Nguyễn Công Truyền bị phá huỷ hoàn toàn trong chiến tranh.
Về sau dân làng dồn vật liệu của hai ngôi đình cổ Văn Lãng và Diên Lộc để thờ chung Thành Hoàng làng và tổ nghề Nguyễn Công Truyền. Năm 1992, đình Diên Lộc được phục dựng trên nền xưa đất cũ theo dáng vẻ truyền thống và Tổ nghề Nguyễn Công Truyền lại được thờ phụng tại đây.
Đình Diên Lộc thờ tổ nghề Nguyễn Công Truyền – nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, tâm linh của làng Đại Bái.
Chùa Đại Bái (còn có tên là chùa Diên Phúc) được trùng tu vào đời vua Lê Thần Tông (1646 – 1647). Chùa dựng theo kiểu nội công, ngoại quốc, có nhà thập điện, lầu chuông hai tầng, có nhà Tả vu, Hữu vu mỗi bên đến mười gian. Chùa Diên Phúc còn bảo lưu được hệ thống cổ vật rất phong phú, độc đáo và quý hiếm như: tượng phật, tượng chân dung chuông chùa, bia đá, bệ đá có niên đại thời Lê và Nguyễn; hệ thống đại tự, câu đối có nội dung ca ngợi Phật pháp và người được thờ hậu… Cụm di tích làng đình Diên Lộc, chùa Diên Phúc và lăng tổ nghề Nguyễn Công Truyền đã được xếp hạng cấp Quốc Gia, Quyết định số 1570/VH-QĐ, ngày 5-9-1989.
Hội tụ đầy đủ các yếu tố của một làng nghề du lịch nhưng không có hướng dẫn viên, không có biển chỉ dẫn nên du khách tìm đến nếu không liên hệ trước với thôn, xã thì chỉ biết loanh quanh tại mấy cơ sở sản xuất tìm hiểu về nghề đúc đồng và mua sắm sản phẩm. Tuy nhiên, các mặt hàng lưu niệm dành cho khách du lịch tại đây lại rất hạn chế, giá thành cao khiến việc tìm mua một sản phẩm ưng ý không phải dễ dàng. Chủ một cơ sở cung cấp đồ đồng nổi tiếng ở Đại Bái cho biết: Những sản phẩm đúc đồng nhỏ gọn dành cho khách du lịch thường có đặt trước chúng tôi mới làm còn để làm một loạt bày bán thì không có. Bởi sản phẩm đúc đồng dành cho khách du lịch tuy nhỏ nhưng giá cũng khá cao nên chỉ có khách thích mua mới đặt hàng trước”.
Phát triển du lịch làng nghề là một trong những hướng đi mũi nhọn của du lịch Bắc Ninh. Với những tiềm năng sẵn có, Đại Bái hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa loại hình du lịch này, không chỉ phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn mà còn góp phần bảo tồn các giá trị lịch sử văn hoá. Hơn nữa, với truyền thống đúc đồng từ hàng ngàn năm nay, đây là một làng nghề tiêu biểu của văn hóa kinh kỳ miền bắc Việt Nam.
Các vật phẩm đồ đồng do Đại Bái sản xuất luôn là những mẫu sản phẩm chất lượng được khách trong và ngoài nước đánh giá cao, với sự phát triển không ngừng như vậy, tương lai Đại Bái sẽ trở thành một khu công nghiệp chuyên về sản xuất các sản phẩm về đồ đồng từ thấp đến cao cấp, phụ vụ mọi miền tổ quốc.