Vào tham quan làm lễ trong một ngôi đền, chùa hay phủ chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ mẫu được gọi là tam phủ công đồng hoặc tứ phủ công đồng với nhiều pho tượng thờ được đặt từ trên cao xuống thấp theo hàng lối ban bệ. Mỗi pho tượng là hình ảnh đại diện cho một vị thần linh được người dân bao đời tôn thờ. Trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu về các vị thần linh trong đạo mẫu
Tranh vẽ Điện Thần Đạo Mẫu của Nghệ Nhân Lê Đình Nghiên
Cách bài trí tôn tượng các vị thần linh trong đạo mẫu
Hàng đầu tiên là Quan Âm Bồ Tát và Tiên Đồng Ngọc Nữ
Hàng đầu tiên, trên cùng và ở bậc cao nhất là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Theo huyền tích lưu lại thì Vân Hương Thánh Mẫu tức Mẫu Liễu Hạnh qui y tam bảo và là đệ tử của Đức Phật theo Ngài tu thành chính quả, tương truyền là Mã Hoàng Bồ Tát
Đứng hầu hai bên là Tiên Đồng và Ngọc Nữ. Tiên đồng là Hồng Hài Nhi, con trai của Ngưu Ma Vương , ngỗ nghịch hay gây nhiều rắc rối, được Bồ Tát thu phục và cho theo hầu để dạy bảo. Còn Ngọc Nữ là con gái của Long Vương, được Bồ Tát điểm hoá và làm đồ đệ hầu bên cạnh Ngài.
Tôn tượng quan am kim dong ngoc nu
Hàng thứ hai: Vua cha Ngọc Hoàng và Nam Tào Bắc Đẩu
Tượng Ngọc Hoàng ở chính giữa và Nam Tào, Bắc Đẩu ngồi ở hai bên. Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị vua tối cao của cõi trời, là chủ của vạn vật. Trong Đạo Mẫu Việt Nam thì Ngọc Hoàng Thượng Đế là cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Theo tích lưu lại, Nam Tào và Bắc Đẩu vốn là người phàm trần, là an hem sinh đôi. Cha mẹ của họ đến khi già nua mới bắt đầu có thai, phải đến 69 tháng mới sinh ra hai cục thịt, không đầu, không tay chân. Bà tính vứt đi. Nhưng rồi thương giữ lại đặt ở xó nhà. Rồi 100 ngày sau, tự nhiên hai cục thịt hoá thành hai chàng trai khôi ngô, tuấn tú, thông minh và có trí nhớ phi thường. Biết được nhiều truyện xảy ra ở khắp nơi. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy vậy đưa hai anh em lên trời làm quan, nhiệm vụ ghi nhớ những truyện sinh tử của loài người và vạn vật. Trong đó Nam Tào đứng ở bên trái ghi sổ sinh, Bắc Đẩu đứng ở bên phải ghi sổ tử.
Hàng thứ ba là Tam Toà Thánh Mẫu:
Với ba pho tượng là hình ảnh ba người Mẹ đại diện cho các cõi Trời, cõi Nước, cõi Non. Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên mặc áo đỏ, ngồi chính giữa, Mẫu Đệ Nhất Thượng Ngàn mặc áo xanh ngồi bên phải và Mẫu Đệ Nhất Thoải Phủ mặc áo trắng ngồi bên trái. Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên đứng ở ngôi cao nhất trong các vị Thánh Mẫu. Người sáng lập ra bầu trời và làm chủ các quyền năng mây, mưa, sấm, chớp “ngự cung trùng cửu thiên chính vị ở trên sức trời trị bốn phương”. Nhứng thần thoại và huyền tích về Mẫu Thượng Thiên liên quan nhiều tới Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng nhiều nhất trong Đạo Mẫu của Việt Nam. Theo truyền thuyết dân gian, Mẫu Liễu Hạnh là một vị Thánh trong Tứ Bất Tử vốn là con gái thứ hai của vua cha Ngọc Hoàng đã 3 lần giáng trần và được các triều đại Nhà Hậu Lê và Nhà Nguyễn cấp nhiều sắc tôn phong làm Mẫu Nghi Thiên Hạ, Chế Thắng Bảo Hoà Diệu Đại Vương.
Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn là vị Thánh Mẫu cai quản cõi đất, núi non. Có nhiều thần tích về Bà như ở Đền Bắc Lệ thuộc Hữu Lũng, Lạng Sơn. Bà là con gái của Sơn Tinh và Công chúa Mỵ Nương Ngọc Hoa trong truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh. Mẫu được cha mẹ đặt tên là La Bình. Khi còn trẻ là cô gái tài sắc vẹn toàn, đức hạnh, thường theo cha đi khắp mọi nơi. Nên Bà sớm học hỏi được rất nhiều, là người bản lĩnh, thành thạo mọi việc, các sơn thần, tù trưởng rất coi trọng, xem Bà là đại diện xứng đáng của Sơn Thánh. Khi Sơn Tinh và Mỵ Nương trở về trời theo lệnh của Ngọc Đế, thì La Bình thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi 81 cửa rừng và các miền sơn cước, trung du, đồng bằng của nước Nam. Bà được Nhà Hậu Lê sắc phong làm Lê Mại Đại Vương, Diệu Tín Thiền Sư.
Có truyền thuyến khác ở Đền Suối Mỡ Bắc Giang, tương truyền rằng vào đời Hùng Vương thứ 9, hoàng hậu mang thai mãi không sinh nở được. Đến năm thứ 3 hoàng hậu dạo chơi trong rừng thì cơn đau đẻ ập tới. Bà ôm chặt than cây quế và sinh hạ được một nàng công chúa rồi kiệt sức mà qua đời. Công chúa được vua cha yêu quí và đặt tên là Mỵ Nương Quế Hoa. Nàng từ nhỏ thông mình, ngoan noãn. Đến tuổi cập kê thì không màng hôn sự, chỉ ngày đêm mong nhớ tới người mẹ quá cố của mình, nàng quyết trí đi vào rừng tìm mẹ, và từ đó chứng kiến những cảnh lầm than, đói nghèo của muôn dân và rồi nàng gặp được một vị tiên dạy cho phép thần thông có thể rời núi, lấp song cứu độ muôn dân. Có được phép thần tiên, Mỵ Nương cùng 12 thị nữ đã ra sức giúp dân nghèo, mang lại cho họ cuộc sống ấm no. Một hôm trên trời có đám mây ngũ sắc hạ xuống đón Mỵ Nương và 12 thị nữ lên trời. Từ đó người dân lập đền thờ Mỵ Nương Quế Hoa và suy tôn là chúa Thượng Ngàn. Hàng năm mở hội vào ngày 1 – 4 âm lịch để ghi ơn công đức của Bà.
Mẫu Đệ Tam hay Mẫu Thoải là Mẫu cai quản các miền sông nước. Thần tích về Mẫu Đệ Tam là con của vua Bát Hải Long Vương Thuỷ Quốc Động Đình. Bà kết hôn cùng Kính Xuyên là con của Đất. Sau Bà bị vu oan là không chung thuỷ với chồng. Bà bị đóng cũi, bỏ lên rừng cho thú giữ ăn thịt. Ở nơi rừng núi Bà được muôn loài quí mến dâng hoa quả, nước uống. Sau đó bà được minh oàn và được rước về thoải phủ kết duyên với Liễu Nghị, người cai quốc tế thuỷ quan. Dưới thời vua Lê Thánh Tông, Bà được sắc phong làm Thượng Đẳng Thần, lấy hiệu là Nguyệt Nga công chúa.
Hàng thứ 4 là Ngũ Vị Quan Lớn:
Quan đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ và đệ ngũ. Lác các vị quan thường hay giáng đồng và có thần tích rõ rang.
Quan Đệ Nhất Thượng Thiên được Ngọc Hoàng Thượng Đế cử xuống cai quản việc trần gian , diệt trừ những kẻ quỷ quái, Ngài được giao ghi chép những việc ở phủ Thiên Hương – phủ chính thờ Mẫu Liễu Hạnh, Ngài giữ cả việc sinh tử của người trần gian
Quan Đệ Nhị hay quan giám sát, Ngài có rất nhiều thần tích dẹp phong ba, chống lũ lụt nhưng lại không ở lại trần gian. Ngài có vai trò tiền khâm sai, hậu giám sát trấn giữ vùng đất rừng núi, sông hoá vùng Hữu Lũng, Lạng Sơn
Quan Đệ Tam là con của vua cha Bát Hát hoá thân thành một võ tướng dưới thời Hùng Vương, sau thành thần phù trợ cho nước ta đánh giặc ngoại xâm bao đời. Đền thờ Ngài là Đền Lãnh hay Đền Lảnh Giang
Quan Đệ Tứ không thấy truyền lại tên tuổi rõ rang, nhưng người ta tin rằng Ngài là vị quan coi sóc việc kinh tế, cày cấy bốn phương cho trần gian. Ông cũng mang chức trách như một vị quan khâm sai đi giám sát việc nhân gian vì vậy Ngài được gọi là Quan Đệ Tứ Khâm Sai
Quan Đệ Ngũ hay còn gọi là Quan Lớn Tuần Tranh. Theo thần tích, Ông nguyên là một con rắn lớn ở đò Tranh Hải Dương, sau trở thành một võ tướng dưới trướng các mẫu. Theo dã sử, Ông được gắn với võ tướng Cao Lỗ, người đã chế tạo ra nỏ thần. Huyền tích được nhắc đến nhiều nhất nhắc về Ông là một vị quan tuần kiểm trên sông Tranh, Ông bị bán oan, triều đình giam giữ, Ông thắt cổ tự tử biến thành rắn, sau này giúp An Dương Vương đánh thắng giặc ngoại xâm được phong làm Giảo Long Hầu , trở thành quan lớn tuần Tranh của tứ phủ, phụ trách trừ tà, sát quỷ.
Tiếp theo là hàng chầu – Tứ Vị Chầu Bà
Họ là những thần nữ trực tiếp phục vụ các Mẫu. Vị thứ nhất chầu cho Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa cũng có khi là hoá thân của hai Mẫu. Bà được ở ngôi đền chính Phủ Dầy – Nam Định.
Chầu Đệ Nhị là hoá thân của Mẫu Thượng Ngàn được xem là thống xoái trong hàng chầu nhạc phủ, Bà là con gái của một gia đình dân tộc thiểu số ở Đông Cuông, Yên Bái. Đền thờ của Bà cũng ở đây, Bà mặc áo xanh, trước đây lễ Bà phải có trâu trắng.
Chầu Đệ Tam là hoá thân của Mẫu Thoải, phụ trách việc coi sóc thuỷ cung. Đền thờ Bà ở huyện Hà Trung, Thanh Hoá gọi là Đền Hàn
Chầu Đệ Tứ gọi là Đệ Tứ Khâm Sai quyền cai tứ phủ. Bà đứng đầu đại phủ, mặc áo màu vàng. Có khi Bà mặc áo đỏ hoá thân thành đệ tứ khâm sai thượng thiên, có khi hoá thân mặc áo trắng múa mái trèo thành chầu Thoải Phủ. Đền thờ Bà là Đền Cây Thị ở Thanh Hoá.
Các vị Chầu khác theo từng tín ngưỡng vùng miền
Dưới tứ vị Chầu Bà, đền nhiều nơi từ Thanh Hoá trở ra Bắc còn có các vị chầu khác thuộc Nhạc Phủ và Thuỷ Phủ. Chầu Đệ Ngũ có đền thờ ở suối Lân, Hữu Lũng, Lạng Sơn bên bờ sông Hoá.
Chầu Đệ Lục là người dân tộc Nùng được thờ ở Hữu Lũng, Lạng Sơn. Chầu Đệ Thất được thờ ở Tiên La, Thái Bình, Bà là một vị tướng dưới trướng của bà Bát Nàn trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Chầu Đệ Bát gọi là chầu Bát Nàn được thờ ở Đồng Mỏ, Lạng Sơn
Chầu Chín được thờ ở thôn Cửu Tỉnh, Bỉm Sơn, Thanh Hoá
Chầu Mười có đền thờ ở Đồng Mỏ, Lạng Sơn
Chầu Bé hay còn gọi là Chầu Bé Bắc Lệ, chầu Bé Thượng Ngàn được thờ ở Công Đồng Bắc Lệ Linh Từ thuộc xã Tân Thành, Hữu Lũng, Lạng Sơn
Chầu Bản Đền là hiện thân của các vị Thánh Mẫu
Dưới hàng chầu là các Ông Hoàng.
Theo truyền ngôn các Ông đều là con trai của Bát Hải Đại Vương ở Hồ Động Đình. Theo phong tục của từng địa phương, các Ông lại gắn với một nhân vật lịch sử nào đó. Trong tất cả 10 Ông Hoàng thì có 3 Ông thường giáng đồng, và có thần tích rõ ràng nên được nhiều người biết đến. Đó là Ông Hoàng Bẩy, Hoàng Mười, Hoàng Bơ
Dưới các Ông Hoàng là hàng Cô, Cậu. Các Cô là thị nữ của Thánh Mẫu và các Chầu, được gọi tên từ Cô đệ nhất đến Cô thứ 12 gọi là Cô Bé Còn các Cậu là người chết trẻ từ 1 đến 9 tuổi hiển linh thành các bé thánh. Đây là những người phụ tá cho các Ông Hoàng
Đền thờ Tứ Phủ tầng dưới cùng có thờ ngũ hổ ở hạ ban, phía dưới đền thờ công đồng. Ngũ Hổ là linh vật quyền uy cai quản bốn phương và trung tâm, vị chúa sơn lâm, chiến tướng trong trận mạc. Trong tín ngưỡng dân gian Hổ là linh vật khắc tinh của ác thần và tà thần
Tiếp đến là hình tượng Thanh Xà và Bạc Xà nằm vắt ngang phía trên điện thờ chính. Và hình ảnh Ngũ Hổ Thần Tướng. Đây được coi là các linh vật hộ pháp có năng lực trừ tà, xua đuổi những thứ hắc ám, bảo vệ cửa Đền, cửa Điện
Hiện nay tôn tượng các vị thần linh trong đạo mẫu thường được đúc bằng đồng. Kết hợp với nghệ thuật vẽ diện, sơn sơn, thếp vàng. Chất liệu đồng giúp cho tôn tượng có độ bền trường tồn theo năm tháng.